Đã 40 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in những tháng ngày
ấy. Cái xóm nhỏ vắng vẻ, heo hút nơi chúng tôi sơ tán bỗng nhộn nhịp khác thường.
Mọi người quẳng hết công việc hàng ngày, chỉ làm một việc duy nhất là túm năm,
tụm ba bàn tán, ngóng tin tức về các cánh quân Quân giải phóng đang tiến về Sài
Gòn. Chiếc Radio hiệu National cũ kỹ của nhà tôi bỗng chốc trở thành của quý. Ở
cái xóm Núi quạnh hưu này, chiếc Radio ấy là phương tiện duy nhất đem đến cho
chúng tôi chút thông tin ít ỏi. Những khuôn mặt gầy guộc, khắc khổ của người
dân xóm tôi rạng ngời niềm vui khi nghe tin chiến thắng dồn dập dội về. Không
biết từ đâu mà trong thời buổi khó khăn lúc ấy, nhà nào cũng có một tấm bản đồ
to cỡ gấp bốn lần tờ giấy A4 để treo trên tường và cứ một thị xã/thành phố miền
Nam thất thủ là lũ trẻ con chúng tôi lại dán lên đó một lá cờ đỏ bằng bàn tay
non nớt, vụng về.
Niềm hân hoan cứ lớn dần lên khi những đốm cờ đỏ như những
bông hoa dâm bụt nhanh chóng nở rộ, lan từ Huế đến Đà Nẵng…và dịch chuyển đến
sát Sài Gòn. Lũ trẻ con “ăn chưa no, lo chưa tới” cũng bàn chuyện thời sự như
những chuyên gia thực thụ, phán đoán, cá cược thành phố nào vào ngày nào sẽ được
giải phóng.
Lũ trẻ con đã vậy, còn người lớn thì khỏi phải nói, chẳng bút
mực nào tả hết niềm vui khôn xiết rạng rỡ trên khuôn mặt họ. Đâu đâu người ta
cũng bàn tới ngày thống nhất đất nước, ngày hòa bình, ngày không còn bom rơi, đạn
nổ. Một tương lai xán lại, lung linh đang vẫy gọi trước mắt. Sẽ chẳng còn những
giấc ngủ bị cắt ngang bởi tiếng bom B52. Sẽ chẳng còn những bữa cơm trộn mì ăn
với rau tàu bay chấm nước xì dầu. Sẽ chẳng còn cảnh phân phối từng chiếc nồi
nhôm, từng chiếc lốp xe đạp, từng bánh xà phòng… Xoa đầu chúng tôi, mẹ tôi hoan
hỉ tuyên bố: Sắp hết khổ rồi, sắp đến ngày sung sướng rồi các con ơi! Tôi nghe
trong giọng nói của mẹ âm thanh náo nức, reo vui lanh canh như tiếng nhạc nước.
Chẳng mảy mảy nghi ngờ, không một gợn nhẹ, chúng tôi ngay lập tin vào điều đó với
một niềm tin ngây thơ nhưng sắt đá.
Riêng tôi, mọi ngày vốn chưa đặt lưng xuống giường đã ngáy
nhưng những ngày tháng đó, tôi xoay ngang, xoay dọc trên chiếc giường nhỏ mà
hai con mắt cứ mở chòng chọc. Cảm giác rộn ràng, hồi hộp, thấp thỏm khiến tôi
khó ngủ. Tôi (khi ấy 10 tuổi) chưa đủ lớn để hiểu giá trị của hòa bình, để mơ
“xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, để mong đất nước “sánh vai với
các cường quốc năm châu”… Với tôi, cái kết của chiến tranh đơn giản và hiện thực
hơn nhiều: Người anh thân thiết, yêu quý của tôi sẽ trở về. Chỉ vậy thôi. Anh
tôi vào chiến trường miền Nam đã 4 năm, tin tức bằn bặt, không hề có một lá
thư. Nhớ ngày anh ra đi, tôi con cón chạy theo, nhét vào tay anh báu vật tuổi
thơ – chiếc ví nhỏ trong có mấy đồng tiền mừng tuổi còn mới coóng mà tôi đã
dành dụm, góp nhặt nhiều năm trời. Anh dúi trả, quay vội đi như muốn dấu hai
hàng nước mắt rồi chạy nhanh trên con dốc trước nhà không muốn kéo dài phút biệt
ly.
Với tôi, chiến tranh chấm dứt nghĩa là sẽ không còn những
tháng ngày nơm nớp chờ đợi, nơm nớp e sợ một kết cục chẳng lành. Anh tôi sẽ trở
về và cõng tôi trên lưng như ngày nào. Nhất định thế!
Thế rồi vào một buổi sáng - sáng 30-4, tôi bị đánh thức bởi
tiếng hò reo vang dậy: Chiến thắng rồi! Chiến thắng rồi! Miền Nam giải phóng rồi!...Từ
chiếc Radio cũ kỹ, bài hát “Như có bác trong ngày vui đại thắng” (hoặc một bài
gì đó tương tự, tôi không còn nhớ rõ nữa) vang lên đầy khí thế. Những người
xung quanh tôi chỉ còn thiếu nước bay lên không trung. Những niềm vui vỡ òa.
Tôi chưa bao giờ chứng kiến nhiều người vui, nhiều niềm vui và những niềm vui lớn
lao đến vậy. Niềm vui ấy biến người lớn thành trẻ con, họ khóc rồi cười, rồi
khóc, rồi lại cười…, không hề che dấu cảm xúc trào dâng. Đầu óc non nớt của tôi
hiểu rằng hình như họ cũng giống tôi, không mơ những giấc mơ cao sang, không
bay bằng đôi cánh viển vông. Họ khóc và cười vì một khao khát duy nhất: Người
ra đi sẽ trở về. Sẽ chẳng còn những thiếu phụ chờ chồng hóa đá. Cha sẽ không
còn phải đợi con với trái tim một ngày đau xé. Em sẽ không còn phải đợi anh để
rồi hút bóng chẳng thấy ngày gặp lại. Người yêu sẽ không còn phải đợi người yêu
để chỉ còn trong ký ức một dây nơ trắng… Ngày ấy, trên miền Bắc, có gia đình
nào không có người đi B? Có gia đình nào chưa từng phải trải qua ít nhất một cuộc
chia ly? Có trái tim nào không hơn một lần quặn thắt khi nghe tin bạn bè, người
thân vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường?
Sum họp theo một nghĩa tinh khôi và đơn sơ nhất là hy vọng,
là niềm vui đang trào dâng đến nghẹn lòng mỗi người dân xóm sơ tán, mỗi người
dân miền Bắc chúng tôi ngày 30-4 năm đó. Trong niềm sung sướng đến ngộp thở ấy,
chẳng một ai biết rằng, đằng sau cờ và hoa còn có hai từ đắng lòng “hòa hợp”,
“hòa giải” vang vọng tới 40 năm sau. Những người dân bình dị, chân chất chúng
tôi chẳng đủ tỉnh táo và thông thái để ngờ rằng, ngày vui năm ấy không đủ để
xóa đi lằn ranh giữa “phía bên này” và “phía bên kia”, mà lại khiến hình thành
nên "bên thắng cuộc" và "bên thua cuộc", lại khiến “có hàng
triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”.... Ngày ấy chúng tôi cũng
chưa đủ khôn để mường tượng rằng, sau 40 năm, khi trong nước tưng bừng giăng cờ
hoa, khẩu hiệu, pháo hoa, diễu binh mừng ngày chiến thắng thì vẫn có không ít
người coi đó là “tháng Tư đen”, là “ngày Quốc hận” …
Thế đấy. Vết thương chiến tranh không nằm ở những hố bom lở lói trên mảnh đất hình chữ S, trên da thịt con người, nó nằm sâu trong tâm thức của nhiều người con đất Việt, trong nỗi đau xa xứ, ly hương, là vết cắt vào ký ức dân tộc, là hố sâu cách biệt với những khác biệt chính kiến và bất đồng quan điểm. Sau 40 năm, Việt Nam đã nối liền một dải “từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái", nhưng thống nhất về địa lý là chưa đủ khi lòng người vẫn chia rẽ, vẫn chưa thu về một mối. Mỗi dịp tháng Tư về, cờ hoa, quạt lọng rầm trời chỉ làm đau đớn thêm vết thương chung của dân tộc, thay vì giữ lành lại tiếp tục làm cho nó rỉ máu đau thêm.
Thế đấy. Vết thương chiến tranh không nằm ở những hố bom lở lói trên mảnh đất hình chữ S, trên da thịt con người, nó nằm sâu trong tâm thức của nhiều người con đất Việt, trong nỗi đau xa xứ, ly hương, là vết cắt vào ký ức dân tộc, là hố sâu cách biệt với những khác biệt chính kiến và bất đồng quan điểm. Sau 40 năm, Việt Nam đã nối liền một dải “từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái", nhưng thống nhất về địa lý là chưa đủ khi lòng người vẫn chia rẽ, vẫn chưa thu về một mối. Mỗi dịp tháng Tư về, cờ hoa, quạt lọng rầm trời chỉ làm đau đớn thêm vết thương chung của dân tộc, thay vì giữ lành lại tiếp tục làm cho nó rỉ máu đau thêm.
Chợt nhớ nhà thơ Nguyễn Duy đã có một tuyên ngôn thơ nói hộ nỗi
lòng, tâm tư của rất nhiều người, thậm chí cả những người ở “bên thắng cuộc”:
“Nghĩ cho cùng/ Mọi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Có một
sự thật đau đớn: Chiến tranh chẳng bao giờ là “được” kể cả với người phất cờ
chiến thắng.
Và tôi khi ấy dù đã thuộc nằm lòng truyền thuyết “trăm trứng”
- mẹ Âu Cơ lên rừng, cha Lạc Long Quân xuống biển, cũng chẳng bao giờ ngờ được
nó luôn là nỗi day dứt khôn nguôi của người Việt từ thủa hồng hoang cho đến
ngày hôm nay – nó như một lời nguyền vận vào số phận dân tộc Việt.
30-4-2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!