Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

THU VỀ

Mùa Hạ quay quắt nắng, mùa Hạ vật vã vắng cây, mùa Hạ từng thản nhiên quăng lửa đỏ lòe vào bao cuộc mưu sinh không máy lạnh đã chẳng còn ở đó. Sau cái ào ạt, dữ dội của cơn mưa giã từ, ngập ngừng mãi rồi mùa Thu cũng đến. Chắt chiu thả những nồng nàn...
Mùa Thu loang màu thời gian, nôn nao bước ra từ giấc mơ hao khuyết, ảo diệu gợi về quá vãng. Ký ức mảnh như sợ tơ, giăng mắc suốt miền không tên, rối bời ngàn năm không gỡ...

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

HẮN...

Tan sở, hắn không về nhà ngay như mọi bữa mà rẽ vào một quán nhỏ tồi tàn cuối con phố hẹp. Quăng cái cặp sờn rách, lỗ chỗ tróc lớp da bên ngoài như chính cuộc đời công chức của hắn, hắn đờ đẫn gọi một chai rượu. Hắn uống suông, uống một mình để cái cay xè thấm vào từng tế bào nơi cổ họng rồi từ từ làm tê liệt hệ thần kinh, đốt cháy những ý nghĩ đang vón cục trong não – đó là cách hắn đối diện với những méo mó, què cụt của người và của đời. 

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

ĐÔI DÒNG VỀ 30-4

Đã 40 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in những tháng ngày ấy. Cái xóm nhỏ vắng vẻ, heo hút nơi chúng tôi sơ tán bỗng nhộn nhịp khác thường. Mọi người quẳng hết công việc hàng ngày, chỉ làm một việc duy nhất là túm năm, tụm ba bàn tán, ngóng tin tức về các cánh quân Quân giải phóng đang tiến về Sài Gòn. Chiếc Radio hiệu National cũ kỹ của nhà tôi bỗng chốc trở thành của quý. Ở cái xóm Núi quạnh hưu này, chiếc Radio ấy là phương tiện duy nhất đem đến cho chúng tôi chút thông tin ít ỏi. Những khuôn mặt gầy guộc, khắc khổ của người dân xóm tôi rạng ngời niềm vui khi nghe tin chiến thắng dồn dập dội về. Không biết từ đâu mà trong thời buổi khó khăn lúc ấy, nhà nào cũng có một tấm bản đồ to cỡ gấp bốn lần tờ giấy A4 để treo trên tường và cứ một thị xã/thành phố miền Nam thất thủ là lũ trẻ con chúng tôi lại dán lên đó một lá cờ đỏ bằng bàn tay non nớt, vụng về. 

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

THỜI QUỶ DỮ LÊN NGÔI

 Ngày gằn gặt. Nhở nham. Tiếng cưa rít lạnh câng.
Những con quỷ mang bộ mặt người được sinh ra từ cuộc đi hoang đầy máu và hận thù đang vót vét những bữa tiệc cuối cùng. Từng ngoạm đất, uống tài nguyên, quay cuồng trong quán tính ăn và cơn thòm thèm nhai nuốt, lũ quỷ không tim ngấu nghiến những hàng cây – hồn phố.

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

VÔ ĐỀ

Phút giao mùa nhẹ bâng như chiếc lá
Đêm phiêu linh trong những giấc mơ hoa
Cây tím biếc sau Đông dài mộng mị
Một nửa mùa Xuân xao xác gọi Én về…

Giao thừa, Ất Mùi 2015

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

BÀI VĂN TẢ ÔNG RÚNG ĐỘNG CƯ DÂN MẠNG (Rinh về cho mọi người cùng đọc)

Đề bài: Em hãy tả người ông của em.
Bài làm
Nhà em có nuôi một ông Cụ, năm nay ông đã 85 tuổi. Thường đã gọi là ông thì ông phải là cha của bố hoặc của mẹ, thế nhưng khi em hỏi bố ông là cha của ai, bố em lại nói: Ông là Cha già dân tộc.
Cũng giống như ông của bạn Quốc, bạn Ba, bạn Triều, ông nhà em chẳng làm gì cả, suốt ngày trùm chăn ngủ. Em hỏi bố em: “Ông vô tích sự thế, nuôi ông làm gì hả bố?”. Bố em bảo: “Còn làm gì nữa? Làm bình phong!”. Em chưa nhìn thấy “bình phong” bao giờ, chẳng biết là cái gì, nhưng em đoán nó có tác dụng.

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

KHỔ THÂN ANH CU!

Mấy ngày nay cả nước cứ ngoắng lên chuyện một anh Cu sinh năm 1990 thành Tỉnh ủy viên tỉnh Bình Định. Các bác ý kiến, ý cò cái nỗi giề? Trẻ tuổi ư? Năm 1930, Trần Phú cũng 24 tuổi mà đã làm Tổng Bí thư kia kìa. Bây giờ anh Cu 24 tuổi mới chỉ là Tỉnh ủy viên thì có gì mà phải sắc mắc?
        Còn về phẩm chất đạo đức ư? Các bác có theo kịp anh Cu không? Hãy đọc kỹ và ghi gột vào tâm khảm, các bác nhé: Ngay từ những ngày đầu chập chững vào đời, anh Cu đã không chọn con đường “vinh thân, phì gia” tu nghiệp ở những nước xã hội chủ nghĩa chói ngời chân lý như Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Hàn, mà quyết định thâm nhập thực tế đói nghèo, khổ đau, bất công, áp bức ở xứ tư bổn Anh quốc, “mải miết tham gia hoạt động xã hội hướng về Tổ quốc, giúp đỡ du học sinh”.

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

TẢN MẠN GIAO MÙA…

Một năm đã ra đi, để lại lối đời đầy hoài niệm. Ngoảnh lại đã là quá khứ, trằn trọc đau từng khắc thời gian.
Những bữa tiệc ồn ào, hoan hỉ tiễn đưa mùa cũ, những khuôn mặt nhầy nhẫy, nhoáng bóng, thãi thừa vật chất, vội vàng, gấp gáp quay trong niềm vui bố thí, vụng về như như những vũ công khuyết tật. Thoảng đâu đó nỗi hãi hùng vay – trả.