1- Những ngày này cả Việt Nam chìm trong nước
mắt. Nước mắt lã chã rơi trên gò má đen sạm của người cựu chiến binh với bộ
quân phục bạc màu chưa phôi pha khói đạn chiến trường. Nước mắt thành dòng trên
khuôn mặt đen đúa nắng mưa của những người nông dân cả đời chỉ biết đến hạt
lúa, củ khoai. Nước mắt ầng ậng trong đôi mắt những bà mẹ Việt Nam chín, mười
lần tiễn đưa khúc ruột của mình lên đường ra trận nhưng chưa một lần đón sự trở
về. Nước mắt nhòa trên khuôn mặt những nhân sĩ, trí sĩ đã đi qua một thời vang
bóng. Nước mắt chảy dài trên gò má măng tơ của những cô cậu thanh niên chưa
từng nếm mùi chiến tranh và bom đạn. Nước mắt hoen trên những khuôn mặt bầu
bĩnh của các học sinh mầm non thậm chí chưa hiểu thế nào là niềm vui và nỗi
buồn…. Đã lâu, lâu lắm rồi, Việt Nam mới lại nhiều nước mắt đến thế!
2- Cô đơn trong sự bủa vây của xung
đột, chia rẽ, lầm than và bạo lực, bao con người Việt Nam những
ngày tháng này đã khóc. Có những giọt nước mắt thành hình, có những giọt nước
mắt chưa thành hình, lại có những giọt nước mắt sậm mầu của máu… Có những giọt
nước mắt chảy ngược vào trong, đắng ngắt, mặn chát lặn thẳm sâu nơi trái tim và
tâm hồn của một thế hệ người đã đi qua máu và lửa, đi qua hận thù và đổ nát, đi
qua một thời hy vọng và thất vọng, đi qua nỗi đau của niềm tin thiêng liêng bị
lừa dối… Những giọt nước mắt đã rơi vì một hiện thực không ít vỡ đổ, nghiêng
lệch, bế tắc, một tương lai mù mờ và nghiệt ngã, khi nơi trú ẩn cuối cùng của
tâm hồn, nơi bấu víu và neo đậu của hy vọng bỗng chốc không còn nữa. Trong tâm
thức xã hội, “tượng Thần dù đổ vẫn thiêng/miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu
thờ”[1]. Nước mắt rơi và quốc dân Việt
không muốn giã từ dĩ vãng.
3- Trải qua những dặm dài của một cuộc khủng
hoảng mang tính hệ thống về lý tưởng, xã hội Việt Nam đương đại bỗng trở nên
đồng thuận – đồng thuận trong nước mắt, đồng thuận trong sự hụt hẫng những chân
giá trị, đồng thuận trong sự thiếu vắng một niềm tin để đi tới tương lai. Sự
đồng thuận ấy là giọt đắng chầm chậm rơi, rót đầy ly ảo vọng. Chìm trong huyễn hoặc, mơ
hồ, cuồng tín, non nước, dân tộc sẽ mất đi sức mạnh bình sinh, đối diện với nguy cơ suy thoái, chết mòn, bại vong.
Để không bại vong, phải
tự thoát ra khỏi ảo vọng, hun đúc khát vọng, tự xác tín những chân giá trị, xây dựng đạo lý xã
hội, vứt bỏ những trói buộc tâm thức và thắp lên dân khí. Đó là con đường
gian nan, chông gai chấn hưng đất nước và nâng tầm dân tộc.
Cuối Thu, 13-10-2003
[1] “Không đề”,
Mikhail Lermontov.
cô ơi, con đọc rồi ạ... đọc từ hôm kia, rồi hôm qua đọc lại... hôm nay con viết cmt vì con muốn nói rằng bài viết này cho con gặp một cái nhìn rất xa, cao và khác hẳn vô số bài viết về đề tài này nhan nhản trên mạng. mỗi câu chữ cô viết đều chất chứa cảm xúc, tâm tư với cách dùng từ đẹp đẽ, sang trọng, lạ và nhiều tầng ý nghĩa... con cảm ơn cô. con đã vừa biết thêm một cô Mai Hoa viết văn hay và sâu sắc đến thế. viết nhiều thêm cô nhé! con chào cô và chúc cô một buổi chiều đầu đông ấm áp cô nhé!
Trả lờiXóa