Hôm nay (11-5-2014) ở
Hà Nội, trước Đại sứ quán Trung Quốc (46-Hoàng Diệu) diễn ra biểu tình phản đối
Trung Quốc xâm nhập trái phép lãnh hải Việt Nam. Tôi quyết định đi – tham gia
và chứng kiến. 9h sáng cùng cô bạn thân đã có mặt tại chỗ. Công an, cảnh sát,
kiểm soát quân sự, trật tự viên… đứng dày đặc khắp các ngả đường. Trước ĐSQTQ
có hàng rào sắt kiên cố dựng sẵn, công an đứng bảo vệ vòng trong, vòng ngoài. Cửa
ĐQSTQ đóng im lìm, lặng im như một nấm mồ. Ở bên ngoài, không khí nóng hừng hực.
Nhiệt độ tăng dần, khí thế của người biểu tình dâng cao, người đổ về ngày càng
đông. Không có chỗ gửi xe, mọi người tự xếp xe vào lề đường, tự bảo quản.
Tiếng hô: “Trung
Quốc rút khỏi biển Đông!”; “Việt Nam
– Hoàng Sa- Trường Sa”; “Hoàng Sa,
Trường Sa là của Việt Nam”….vang vọng khắp nơi, băng rôn, khẩu hiệu… được
giơ cao. Tiếng hát: “Dậy mà đi hỡi đồng
bào ơi…” càng làm cuộc biểu tình thêm khí thế. Tôi như sống lại không khí
tháng 2-1979.
Tham gia biểu tình có
rất nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau: Các cụ già, thanh niên, sinh viên, các
em bé… Rất nhiều hình ảnh cảm động. Có ba mẹ con, mẹ còn rất trẻ, khoảng 32-35
tuổi, hai em bé trứng gà, trứng vịt khoảng 10-13 tuổi, tất cả mặt đỏ gay vì nắng,
nhưng vẫn nhiệt tình cùng giơ tay hô to: “Trung
Quốc cút về nước!”. Có một ông cụ nhiều tuổi, đẩy cháu trên chiếc xe, đeo
trên ngực tấm biển phản đối Trung Quốc, xung quanh xe em bé dán đầy các khẩu hiệu,
bất chấp nóng nực, đông đúc, chật chội… cùng hòa chung vào dòng người. Tôi nhìn
thấy TS. Nguyễn Quang A, mỗi lần ông di chuyển, xung quanh lập tức có vài nhân
viên an ninh bám theo. Giữa những người biểu tình, có nhiều nhân viên an ninh
trà trộn, song không ngăn cản. Phóng viên tự do và “quốc doanh” tác nghiệp tưng
bừng.
Biểu tình ôn hòa,
nhưng ngùn ngụt lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm trước chủ quyền quốc gia.
Hăng hái nhất vẫn là các cụ ông, cụ bà và thanh niên, sinh viên. Lứa tuổi trung
trung tương đối nhiều, hình như chủ yếu làm nghề tự do (phỏng theo cách ăn mặc,
phong thái), cán bộ công nhân viên nhà nước không nhiều, nếu có, phần lớn đứng
nhìn và chụp ảnh.
Gần 10h, một bộ phận
rất đông người biểu tình rời ĐSQTQ diễu hành qua các đường phố, một bộ phận tiếp
tục ở lại hô vang các khẩu hiệu. Nắng dần lên cao. Nóng. Mồ hôi rỏ rọt. Người
biểu tình vẫn hô vang, hô đến khản tiếng.
Tôi khâm phục những
người biểu tình - quên đi những vật lộn mưu sinh, họ đã đến đây, bên nhau, cùng
biểu thị thái độ và ý chí không nhân nhượng, không lùi bước trước kẻ mạnh. Rất
nhiều người trong số họ, có lẽ không học rộng hiểu sâu, không nhận được nhiều
đãi ngộ từ Nhà nước, song họ đã không tính toán, họ đã đến. Bằng hành động đó,
hôm nay, họ làm cho những người như tôi – đầu óc rậm rì và quẩn quanh một “mớ”
lý luận, hiểu thế nào là hai chữ: “NHÂN DÂN”.
Không. Khâm phục thôi
là chưa đủ. Tôi kính trọng họ - họ nhiệt huyết, dấn thân, không biết sợ hãi, tràn
trề sinh khí, đau đáu với vận mệnh dân tộc và lấp lánh tình yêu đất nước – đất
nước khốn khó thường ngày, trong giờ phút hiểm nguy bỗng thành thân thương, bỗng
thành báu vật. Với những người dân như thế, có lẽ nào đất nước chẳng lớn lên?
11-5-2014
Cảm ơn cô đã từng thuật khí thể của cuộc biểu tình yêu nước cho mọi người cảm nhận, suy nghĩ. Tổ quốc luôn là điều thiêng liêng nhất trong trái tim của mỗi người con dân đất việt con Lạc cháu Hồng. dù tuổi tác, than phận ngày thường có khác nhau, nhưng mỗi khi Tổ quốc lâm nguy thì ai ai cũng sục sôi lên nhiệt huyết, sẵn sàng xả thân, tất cả hiến dâng cho TỔ QUỐC. Xa xưa Trần Quốc Toản cùng các tướng lĩnh ông cha ở bến BÌnh Than, ở Diên Hồng.. thé kỷ 20 cháng trai trẻ Nguyễn Tất Thành nối chí cha anh đi tìm đường cứu nước biệt biệt đằng đẵng khắp phương trời góc bể, quên cả tình cảm riêng tư....và biết bao thế hệ nối tiếp thế hệ, có lẽ sẽ không có kẻ thù nào có thể cướp đi tình yêu Tổ quốc và sự trường tồn của nước Việt Nam văn hiến anh hùng. Đó là niềm tin bất diệt.
Trả lờiXóa