Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

TÍNH CÁCH VIỆT (Kỳ cuối)

Người Việt thiếu tư duy phản biện
Một trong những “đức hạnh” của khoa học là ươm trồng, nuôi dưỡng tư duy phản biện (Critical thinking). Tư duy phản biện là mô hình tư duy về một chủ đề, một vấn đề bất kỳ; trong đó, chủ thể cải tiến chất lượng tư duy bằng việc điều khiển một cách thành thạo các cấu trúc nền tảng có sẵn của tư duy và áp đặt các tiêu chuẩn của hành động trí tuệ lên quá trình tư duy.
Tư duy phản biện bo vệ chủ thể tư duy không bị người khác lừa phỉnhkhông tự lừa phỉnh chính mình. Nhờ có tư duy phản biện, con người chủ động phá bỏ các tường rào cấm kỵ, tiếp cận duy lý khi phân tích các hiện tượng tự nhiên và xã hội.
 Không có tư duy phản biện, con người tự biến mình thành mảnh đất màu mỡ để thể chế gieo cấy những gì mà nó muốn. Cái giá phải trả là con người mặc nhiên thừa nhận những quy tắc, giá trị và khuôn mẫu xã hội định sẵn - nói cách khác, là thụ động, tự nguyện vâng lời và biến mình thành con Cừu, thành nô lệ.
Có tư duy phản biện đã là may mắn, song chưa đủ. Để phản biện có sức lan tỏa, tạo ra những hiệu ứng xã hội tích cực, thực sự trở thành yếu tố thúc đẩy phát triển, cần có bản lĩnh phản biện. Bản lĩnh phản biện thể hiện ở chỗ con người có thể vượt qua nỗi sợ hãi, dám nói lên chính kiến, phản biện một cách chắc chắn, sâu sắc, hữu ích, logic và khoa học những vấn đề nảy sinh, nhằm nhận chân bản chất sự vật, hiện tượng; trên cơ sở đó, định hướng, quyết định thái độ, tình cảm, niềm tin, hành động của chính bản thân và của cả cộng đồng.
Quay trở lại câu chuyện Thủ tướng và Biển Đông” – chỉ một lời tuyên bố về "không đánh đổi chủ quyền" và "hữu nghị viển vông" đã lập tức tạo nên một đợt sóng trào, đẩy dư luận xã hội chuyển dịch, vận động trong trạng thái hân hoan, râm ran, tê tê, đi lên theo chiều thẳng đứng.
Tạo cơn “tự sướng” rầm rộ của dân Việt, Thủ tướng không tốn nhiều công sức. Bằng một con tính lớp một và vài ba thao tác kỹ thuật đơn giản, Thủ tướng đã kịp điều chỉnh, định hướng dư luận theo cách có lợi nhất cho các mục tiêu, tính toán của mình. Điểm qua các mốc thời gian và vài ba sự kiện, có thể thấy ngay điều đó:
Ngày 1-5-2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan HD-981 vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tình hình Biển Đông nóng lên từng giờ, ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo dâng ngùn ngụt, nhân dân và đất nước sôi sục, mong đợi giới lãnh đạo cấp cao tỏ rõ thái độ, có những bước đi cương quyết, kịp thời, song mặt nước vẫn lặng như tờ. Sự im lặng khó hiểu từ phía những người có trách nhiệm không chỉ làm tích tụ thêm những bức xúc của người dân, mà còn khiến những bực bội bấy lâu kìm nén có nguy cơ bùng phát.
Ngày 8-5-2014, Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khai mạc, TBT Trọng – với chức trách của mình, đọc lời khai mạc Hội nghị. Cả nước nín thở trông chờ, hy vọng sẽ được nghe những tuyên bố xứng tầm, hoặc chí ít thì cũng có những động thái nào đó về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, giọng nói có phần rề rà, vẻ bình chân như vại của TBT Trọng và chủ đề “lãng nhách” bàn về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trở nên phản cảm trên nền vấn đề Biển Đông đang nóng rẫy (cho dù sở dĩ bác Trọng không động chạm đến Biển Đông không phải vì không muốn nói, mà vì 13 bác còn lại chủ trương không được nói - ở Việt Nam ta, mọi việc đều là quyết định tập thể, 14 bác Bộ Chính trị là “Vua tập thể”). Những hy vọng, trông đợi nhanh chóng chuyển thành ê chề, chán chường và tức giận. Kết quả là gạch đá và củ đậu bay vèo vèo về phía bác Trọng.
Trong lúc thái độ, phản ứng của các tầng lớp nhân dân căng như dây đàn, ngày 11-5-2014, Thủ tướng tới Myanmar, có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của các nhà lãnh đạo ASEAN. Chưa nguôi nỗi thất vọng vì bác Trọng, chẳng mấy ai trông đợi ở bài phát biểu của Thủ tướng, song Thủ tướng đã có cú “lật cánh” ngoạn mục khi nhắc đến các cụm từ “Biển Đông”, “ngang nhiên”, “hung hăng”, “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng”….
Dù đã có một vài cụm từ có vẻ cương quyết, nhưng nếu phân tích kỹ toàn bài phát biểu của Thủ tướng và đặt trong bối cảnh nguy cơ và hiểm họa từ giàn khoan HD-981, sẽ chẳng thấy có nhiều điều đặc biệt: giọng điệu vừa phải, lời lẽ uyển chuyển, nhẹ nhàng, không động chạm… Sau hơn 10 ngày im lặng, những gì mà Thủ tướng phát biểu tại Myanmar là chưa đủ, là điều ít nhất có thể làm. Bất kỳ Nguyên thủ quốc gia bình thường nào cũng có thể phát biểu mạnh mẽ, thuyết phục, cứng rắn hơn thế; tuy nhiên, bài phát biểu đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt – nó đã đánh trúng tâm lý bức bối của người dân. Nó được tung hô hơn giá trị đích  thực, nhất là bởi bộ máy báo chí “định hướng XHCN” và đội quân DLV đông đảo.
Tiếp dòng sự kiện, chiều ngày 14-5 -2014, Hội nghị Trung ương lần thứ 9 bế mạc. Dù đã một lần thất vọng, người dân vẫn mong manh trông đợi những thông điệp mới từ TBT, nhất là khi đã có một trong bốn tứ trụ có “bước đi mở đường”. Nhưng, như Trần Hữu Dũng đúc kết thì “diễn văn bế mạc của Nguyễn Phú Trọng có 7 đề tài chính. Hai đề tài đầu tiên (và dài nhất) là: 1- Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam; 2-Tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng. Đề tài thứ 4 là ngắn nhất, nói về quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Không có bất cứ một chữ “Trung Quốc” nào và chỉ có duy nhất một chữ “Biển Đông” (còn từ “Văn hóa” thì được nói đến hơn 30 lần)”.
Một lần nữa dân Việt lại ngã ngửa! “Ấn tượng” Myanmar, vì thế, càng khắc đậm dấu ấn. Mưa đá, bão đá tiếp tục trút ào ào về phía bác Trọng, nhất là khi trước đó (ngày 13-5-2014), thông tin về việc bác bị người anh “bốn tốt” từ chối gặp đã lan tràn khắp các mặt báo (dù việc bác đề nghị gặp Tập Cận Bình, coi đó là một kênh để giải quyết vấn đề cũng là lẽ thường).
Khi bác Trọng (cùng với một loạt bác khác) đã “chết lâm sàng” và mười ngày sau sự kiện Myanmar – thời gian vừa đủ để “ấn tượng Myanmar” bắt đầu nhàn nhạt (trong khi Biển Đông ngày càng căng thẳng) và nhân dân khi đã thỏa thuê ném đá, cần tiếp một cú chích “vitamin liều cao”, thì ManilaDiễn đàn kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 là một cơ hội thích hợp. Quả thật, Thủ tướng đã làm một động tác kích đẩy nhẹ nhàng chỉ với cụm từ “hữu nghị viển vông” và đã đạt hiệu suất ngoài mong đợi, trong phút chốc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, lung linh ngời ngợi, trở thành “anh hùng dân tộc”, thần tượng của một đất nước luôn khát khao thần tượng. Biển Đông đã nóng, những lời ca tụng Thủ tướng còn nóng hơn gấp ngàn lần – dân Việt bắt đầu quên, rộng lượng, tha thứ“tự sướng”.
Quên, rộng lượng, tha thứ và “tự sướng” của người Việt lên đến đỉnh điểm. Người Việt lạc quan nghĩ về “thoát Hán”, về “bản lĩnh dân tộc”, về “khí phách Đông A”, về dân chủ, về động thái “xoay trục” sang phương Tây; thậm chí đã nghĩ đến cơ hội được bày tỏ lòng yêu nước, khi chính giới lãnh đạo khẩn thiết “kêu gọi” nhân dân biểu tình…Tất cả dường như trong tầm tay! Song có vẻ dân Việt lạc quan hơi sớm thành ra lạc quan tếu. Hãy thử phân tích những gì khiến người Việt tự sướng những ngày qua, sẽ thấy người Việt thiếu tư duy phản biện, dễ bị lừa phỉnh và thích tự lừa phỉnh đến mức nào.

 (còn tiếp).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!