Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

ĐỀ ÁN “ĐẺ NON”

Sau kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014 -2015 chưa lâu, báo chí lại một phen xôn xao về phương án kỳ thi chung 2015. Tổng hợp vài dữ liệu, bức tranh bước đầu được phác thảo như sau:
Mục tiêu
- Tránh tình trạng học lệch ngay từ phổ thông bằng cách tích hợp các môn thi.
- Bỏ bớt một kỳ thi tốn kém.
- Kết quả kỳ thi được dùng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.

Ghi chú
Khẳng định như “đinh đóng cột” các mục tiêu của kỳ thi chung, song các “quan” đều “chua” thêm:
- Không bắt buộc tất cả các trường sử dụng kết quả chung này, các trường sử dụng toàn bộ hoặc có thể sử dụng một phần kết quả này và sau đó tổ chức thi thêm một vài môn hay phỏng vấn là quyền của các trường (Thứ trưởng Bùi Văn Ga).
- “Bộ GD-ĐT sẽ cung cấp dữ liệu tin cậy nhất để các trường sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển ĐH, CĐ. Có thể những năm đầu tiên của kỳ thi quốc gia chung các trường chưa tin nên sẽ tổ chức tuyển sinh riêng, nhưng về sau nếu kết quả của việc tuyển sinh riêng và kết quả kỳ thi chung tương đương nhau thì các trường sẽ không cần tổ chức kỳ thi riêng nữa” (Thứ trưởng Bùi Văn Ga, báo Tuổi trẻ, 19-7-2014).
- GS. Đào Trọng Thi giải thích: “…thực tế, đây là kỳ thi có tác dụng xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp tư liệu đáng tin cậy để làm căn cứ cho các trường Đại học, Cao đẳng sử dụng trong công tác tuyển sinh, có thể có trường lấy luôn số liệu đó để tuyển sinh, nhưng cũng có thể họ chỉ dựa vào đó thôi và có thể tổ chức một kỳ thi riêng, đây là quyền tự chủ của mỗi trường Đại học, Cao đẳng chứ không phải do Bộ GD&ĐT kiểm soát…Theo tôi, có thể gọi là kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia thì sẽ hợp lý và đỡ gây hiểu lầm hơn” (báo Người đưa tin, 20-7-2014).
Thời gian “thai nghén” đề án
- Ngày 10-7-2014, trong buổi họp báo thông báo kết quả của hai kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, về kỳ thi chung 2015, ông Mai Văn Chinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) trả lời: “Đây là mục tiêu của toàn ngành trong thời gian tới, nhưng đến thời điểm này, Bộ chưa thể trả lời cụ thể”. ông Mai Văn Chinh nhấn mạnh: “Tuy nhiên, đổi mới thi cử tiến tới 1 kỳ thi chung phải nằm trong lộ trình” (Báo Nông nghiệp, ngày 11-7-2014; bài này hình như đã bị gỡ).
- Ngày 15-7-2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về phương án kỳ thi chung 2015.
- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bộ GD-ĐT đang trao đổi, tính toán, sau đó tham khảo ý kiến rộng rãi của xã hội.
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đây là chủ trương rất mới nên hiện vẫn chưa biết đi theo hướng nào tốt nhất.
- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thành đề án, trong quý III-2014, sẽ đưa ra tham khảo ý kiến của công luận.
- Tháng 10-2014 sẽ có quyết định chính thức về kỳ thi năm 2015.
….
Một vài kết luận
- Đề án được đưa ra trên nguyên lý “nổi tiếng”: “Sai đâu, sửa đấy”. Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh, nguyên lý “nguyên thủy” đó không chỉ làm đổ vỡ giáo dục Việt Nam, mà còn phá nát đất nước.
- Vội vàng, lộn xộn, mù mờ, mâu thuẫn - đó là đặc điểm của đề án này cũng như nhiều đề án khác mà Bộ GD-ĐT là tác giả (Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học; đề án sách giáo khoa 34 nghìn tỷ đồng…). 
- Xin chia buồn sâu sắc với các gia đình có con học lớp 12 đang bị một đề án chưa có thời gian thai nghén biến thành “chuột bạch”.
- Các đề án giáo dục được “đẻ non” vì con cái quan chức Ngành và Chính phủ đã, đang và sẽ du học hết.
- “Gấp rút hoàn thành đề án”, tỷ lệ phần trăm và ăn chia sẽ là bao nhiêu? Có bằng các đề án thầu xây dựng hay bán đất, bán rừng cho Trung Quốc?
- Các “chính trị gia salon” quyết liệt giáng thêm một đòn vào giáo dục Việt Nam đang trên đà tụt dốc (một chính trị gia có những phát ngôn: Kiện Trung Quốc, mang nhau ra tòa như “bát nước đổ xuống; chưa đòi lại được Hoàng Sa thì “đời con cháu chúng ta tiếp tục đòi”… có thể tỉnh táo, trí tuệ đề ra các quyết sách?).
- Trong khoảng lặng giữa những cơn bão giàn khoan, rất có thể đề án là một hy vọng chứng minh sự năng nổ, tích cực của Chính phủ; đồng thời, kéo dư luận xã hội vào một vấn đề “hót”, nhằm làm mờ đi những yếu kém bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Tóm lại, hoạch định chính sách theo kiểu “tư duy sực nhớ”, “bất chợt”, “ngẫu hứng”, trước mắt chỉ dân đen “lãnh đủ”, nhưng lâu dài, đất nước sẽ phải trả giá!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!