Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

KỲ THI CHUNG 2015 – TRÁI CHÍN ÉP

Học quá tải, thi cử nặng nề, tốn kém, vì thế, cải cách là cần thiết (mặc dù đó cũng chỉ là chữa triệu chứng); tuy nhiên, mọi đề án, mọi quyết sách cần phải được chuẩn bị, nghiên cứu, cân nhắc một cách kỹ lưỡng trước khi đưa vào thực tiễn, tránh tình trạng càng “cải”, càng nát; càng vá, càng rách.
Ngày 15-7-2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về phương án kỳ thi chung 2015. Tổng hợp và phân tích thông tin, nhiều vấn đề bắt đầu lộ diện.

Kỳ thi chung 2015 có bốn mục đích chính: 1- Bỏ bớt một kỳ thi tốn kém; 2-Tích hợp các môn thi để tránh tình trạng học lệch ngay từ phổ thông; 3- Kết quả kỳ thi được dùng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông; 4- Kết quả kỳ thi làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.
Thoạt nhìn, mục đích của kỳ thi chung là tích cực, vì người học, vì xã hội, rất đáng được hoan nghênh, được cổ vũ; tuy nhiên, khi phân tích, nhiều mục tiêu của kỳ thi không chỉ có khả năng phá sản cao, mà còn tất yếu, vì:
Thứ nhất, muốn bỏ bớt một kỳ thi tốn kém, nhưng kết quả của kỳ thi ấy chỉ làm “cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh” – điều đó có nghĩa là các trường hoàn toàn có thể tổ chức kỳ thi riêng. 
Chắc chắn, để đảm bảo chất lượng đầu vào, nhiều trường đại học, nhất là các trường top 1 hầu như sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh của mình, nhất là khi tổ chức kỳ thi chung “sẽ được thực hiện theo cụm tại các địa phương” (có thể một số trường ĐH, CĐ sẽ tham gia coi thi, hoặc tham gia vào khâu tổ chức thi). Thực tiễn thi tốt nghiệp những năm qua khiến các trường đại học không thể đặt cược chất lượng và danh tiếng vào một kỳ thi với trên 99% thí sinh đỗ đạt với tiêu cực tràn lan không thể một sớm, một chiều có thể khắc phục. 
Vậy có thực bỏ bớt được một kỳ thi? Có thực tiết kiệm và đỡ tốn kém? Câu trả lời là Bộ GD-ĐT đã lấy mục tiêu thứ tư phủ định mục tiêu thứ nhất; đồng thời, tự phủ định mục tiêu thứ tư khi lấy kết quả của một kỳ thi kém chất lượng làm chuẩn đầu vào cho bậc đại học, cao đẳng. Cũng dễ dàng nhận thấy ngay rằng, chỉ có mục tiêu thứ ba là khả thi; và như vậy, tên kỳ thi chung này nên được gọi là kỳ thi “Tốt nghiệp THPT Quốc gia” như GS. Đào Trọng Thi đã đề nghị. Với cách gọi tên như thế, thi chung 2015 thực chất là “bình mới rượu cũ”, trở về vạch xuất phát ban đầu sau rất nhiều tốn kém.
Thêm nữa, nhìn thấy trước là thí sinh sẽ vô cùng thiệt thòi, vì khi tổ chức kỳ thi riêng, vô hình trung, các trường sẽ vô hiệu hóa điểm mạnh của kỳ thi “ba chung” qua việc hạn chế “lọt lưới” các thí sinh giỏi và tạo hơn một cơ hội đỗ đại học cho các thí sinh với nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 (chắn chắn vấn đề công nhận kết quả của nhau giữa các trường sẽ gây nhiều tranh cãi).
Thứ hai, tích hợp các môn thi để tránh tình trạng học lệch ngay từ phổ thông.
Ở mục tiêu này, tiếp tục nảy sinh thêm nhiều vấn đề. 
Chống học lệch được gắn mục tiêu của giáo dục là đào tạo những con người “phát triển toàn diện” gồm: đức, trí, thể và mỹ. Tuy nhiên, đức, trí, thể, mỹ của một con người không hình thành chỉ từ các môn học, mà nó là kết quả của một quá trình giáo dục với nhiều hoạt động phong phú khác nhau. Thực tiễn cũng cho thấy năng lực đối với toán học, văn học, mỹ thuật, ngoại ngữ… của từng cá thể là khác nhau và hiếm khi hội tụ đồng đều cùng lúc ở một cá nhân. Vì thế, không thể đào tạo một người vừa học toán tốt, vừa làm văn hay, vừa vẽ giỏi, vừa hát như ca sĩ…và coi đó là phát triển toàn diện.
Nói như thế không phải là để cổ xúy cho học lệch, mà để thấy rằng, cần bố trí, xác định các môn học, các hoạt động giáo dục cho phù hợp với mục tiêu phát triển “con người toàn diện”; đồng thời, tôn trọng, phát huy khả năng, sở trường của từng cá nhân. Học đều các môn không đồng nghĩa với “toàn diện” và chỉ thông qua kỳ thi sẽ không giải quyết được vấn đề học lệch. Chống học lệch trước hết phải bắt đầu từ nhận thức của học sinh, từ thiết kế nội dung các môn học và phương pháp giáo dục trong nhà trường, cũng như rất nhiều vấn đề liên quan.
Thi tích hợp các môn là một hướng thi hay, song thi cử và giảng dạy – học tập là một quá trình gắn kết chặt chẽ, không tách rời, đặc biệt là trong điều kiện dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay - nghĩa là muốn thi tích hợp thì giảng dạy – học tập cũng phải theo hướng tích hợp. Hơn nữa, người học phải được học tập và tiếp cận giảng dạy tích hợp trong một quá trình với khoảng thời gian đủ dài, để năng lực giải quyết vấn đề theo hướng tích hợp kịp chín. 
Thực trạng dạy và học ở các trường phổ thông hiện nay cho thấy học sinh hoàn toàn xa lạ với các bài giảng, bài thi tích hợp. Thói quen học vẹt của học sinh, khả năng hạn chế của giáo viên, sách giáo khoa chưa chuyển đổi…với ngần ấy và hơn thế nữa khó khăn, trong vòng một năm, học và thi theo hướng tích hợp là nhiệm vụ bất khả thi, là một mục tiêu gượng ép, hoang tưởng.
Bên cạnh đó, với một khoảng thời gian khá ngắn ngủi, Bộ GD-ĐT liệu có đủ khả năng “đẻ” ra những bộ đề thi “tích hợp” cho chuẩn xác, cho đúng “tích hợp”, khi những năm qua dù đã triệu tập “hàng trăm chuyên gia, giáo viên giỏi để làm đề”, nhiều bộ đề vẫn bộc lộ những sai sót, bất cập “chết người”, gây sóng gió dư luận xã hội.
Giảm tải, loại bỏ thi cử nặng nề, không thực chất là vô cùng cần thiết; có điều, thay vì đi bằng chân thì Bộ GD-ĐT… “trồng cây chuối”. Kỳ thi đáng phải bỏ là kỳ thi tốt nghiệp PTTH – một kỳ thi rất nhiều tiêu cực với kết quả hơn 99% học sinh tốt nghiệp. Kỳ thi ấy nếu tồn tại sẽ tiếp tục làm khổ học sinh, cha mẹ, nhà trường và xã hội; do vậy, thay vào đó, nên tiến hành xét tốt nghiệp, nhất là khi xu thế chung của thế giới đang tiến tới phổ cập PTTH và Việt Nam cũng đang trong lộ trình.
Trong điều kiện xã hội Việt Nam đầy rẫy tiêu cực, nên và cần duy trì kỳ thi đại học trong một khoảng thời gian nhất định (bởi từ trước đến nay, đó là một trong những kỳ thi chặt chẽ nhất, nghiêm túc nhất); sau đó, có lộ trình trao quyền tuyển sinh cho các trường đại học. Đặc biệt, điều kiện kinh tế - xã hội, thực trạng cơ sở vật chất, năng lực vận hành của các trường đại học… chưa cho phép Việt Nam thực hiện phương thức đào tạo đại học “thả đầu vào, xiết đầu ra” như nhiều nước trên thế giới. Vì thế, nếu đề thi của kỳ thi chung có độ khó và phân loại người thi phù hợp với tuyển sinh đại học, thì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp PTTH sẽ rơi gần chạm đáy, còn ngược lại thì giá trị kỳ thi chung bằng không – nó trở về dạng ban đầu.
Tóm lại, cách “chữa bệnh” nền giáo dục Việt Nam của Bộ GD-ĐT giống như thay vì tiêm Insulin và kê thực đơn ăn kiêng cho bệnh nhân tiểu đường, bác sĩ lại khuyến khích họ tăng cường uống rượu bia, hút thuốc lá và ăn đồ ngọt. Giống thế, nền giáo dục Việt Nam đang trả giá bởi những thí nghiệm phản khoa học. 

Bia Văn Miếu còn ghi: "Học thức là tài sản lớn nhất của quốc gia"; "Những người có đức, có tài là nhân tố duy trì quốc gia" – đọc những dòng chữ đó, hãy một lần hổ thẹn với tiền nhân!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!